Hà Tiên một địa khu lịch sử & văn hóa

                   (Nhà xuất bản Văn Hóa ( tác giả  Đông Hồ & Mộng Tuyết )

 

Hà Tiên bây giờ là phần đất của   tỉnh Rạch Giá. Nhưng  xa xưa  Hà Tiên là một địa khu lớn. Nó là một vùng bao quát các tỉnh  duyên hải cho tới mũi Cà Mau  . Vùng này  được  một  gia đình họ Mạc người Trung Hoa  khám phá ra và khai thác trước thời kỳ Chúa Nguyễn chiếm miền Nam . Gia đình này  bỏ trốn  khỏi Trung Hoa  vì  bị nhà cầm quyền  bắt bớ. Vượt đại dương ra đi , họ Mạc tìm được vùng đất hẻo lánh này, chọn nó làm  vương quốc riêng của họ. Hiện nay trên núi Bình San của Hà Tiên còn di tích lăng tẩm của các mệnh phụ và triều thần họ Mạc.

.Chữ  Hà Tiên  là do chữ  "Tà Ten"  mà ra.  Tà Ten  là một ấp cư dân cổ ở hướng Đông Bắc thị xã Hà Tiên, nằm bên bờ trái sông Giang Thành. Khi xưa, người Khmer gọi sông này là Tà Ten (sau là Prêk Ten). Tà có nghĩa là sông, Ten là tên sông. Về sau chữ Tà được đổi là HàTen được biến thành Tiên. Sách Nghiên cứu Hà Tiên viết  rằng: Cách giải thích cũ “nơi đây xưa kia có tiên hiện xuống đi lại trên sông, nên gọi là Hà Tiên” là không có căn cứ và thiếu khoa học,  mượn cái tích nàng tiên hiện  trên sông.... Lúc trước Hà Tiên  còn có tên là Phương Thành, Cảng Khâu. Hà Tiên  có được như ngày nay là do công khai phá của Mạc Cửu và công mở mang của  Mạc Thiên Tứ.  Vào đời ông này đất Hà Tiên ăn xuống giáp biển Bạc Liêu.

 Truyện kể về  họ Mạc như sau:   Mạc Cửu ở Hà Tiên là người Lôi Châu, tỉnh Quảng Đông, trung thành với nhà Minh, không chịu theo tập tục của nhà Thanh (Mãn Châu), đem gia đình theo đường biển chạy về phương Nam, đến đất Sài Mạt nước Chân Lạp (Kampuchia), chiêu dụ người Hoa, Mã Lai, Nam Dương, Ấn Độ, Chân Lạp (Miên)...đến tụ tập buôn bán, bèn mở sòng bạc kiếm lời; lại gặp được hầm chôn giấu tiền bạc nên chẳng bao lâu trở nên giàu có, bèn bỏ Sài Mạt đi đến xứ Phương Thành, chiêu dụ dân phiêu bạt các nơi đến Phú Quốc, Cần Bột, Giá Khê, Luống Cày, Hương Úc, Cà Mâu lập được 7 xã. Nghe đồn nơi ấy thường có tiên hiện ra trên sông nên đặt tên là Hà Tiên. Đất nầy dựa vào núi, dọc theo biển có thể tụ tập buôn bán làm giàu được.  Người nước Xiêm (Thái Lan) thường đến xâm phạm,  Mạc Cửu bất đắc dĩ phải xin hàng tướng Xiêm, được vua Xiêm cho ở tại núi Vạn Tuế. Nhân nước Xiêm có nội biến, ông liền bỏ núi Vạn Tuế về đất Lũng Kỳ, dân phiêu bạt về với ông mỗi ngày một đông. Nhận thấy đất Lũng Kỳ chật hẹp nên ông dời về Phương Thành, dân buôn bán theo về với ông càng ngày càng đông, chẳng mấy chốc đất Phương Thành càng ngày càng phồn thịnh. Phương Thành sau này được đổi tên là Hà Tiên ngày nay.

Hà Tiên  có một phong cảnh tuyệt vời, không kém gì  vịnh Hạ Long ngoài Bắc Việt Nam. Hà Tiên có thập cảnh đẹp mà  Mạc Thiên Tứ  ca ngợi.   Hai  cảnh đẹp nhất  trong 10 thập cảnh mà người ta hay nhắc tới : đó là   Đông Hồ ấn nguyệt ( nhìn xuống từ  mạn núi Ngũ Hổ) và Bình San điệp thuý  

 (Bình San =núi như tấm bình phong, còn điệp thuý=sắc xanh lớp lớp).  Bình San  cũng gọi là núi Lăng, vì trên ấy còn di tích lăng tẩm của các mệnh phụ và triều thần họ Mạc.

Tháng 8 năm Mậu Tý (1708) đời chúa Nguyễn Phúc Chu Mạc Cửu mang lễ vật đến Huế yết kiến chúa Nguyễn, dâng đất Hà Tiên. Nguyên đất nầy là do chính Mạc Cửu khai phá, xây dựng nên. Chúa Nguyễn không nhọc công chinh chiến mà có, lại thấy ômg tướng mạo oai hùng, tới lui cung kính và có lòng trung thành bèn thu nhận đất mới nầy, đặt tên là trấn Hà Tiên, phong cho Mạc Cửu làm Tổng binh. Mạc Cửu được chúa Nguyễn ban cho ấn kiếm, cờ hiệu, được quyền cai trị dân trên một dải đất bao la gồm vùng Hà Tiên, Châu Đốc, Rạch Giá, Long Xuyên, Cà Mâu...ngày nay.Mạc  Tông là con Mạc Cửu, ban đầu có tên là Mạc Thiên Tích tự Sĩ Lân, sau lấy tên là Thiên Tứ nghĩa là chữ của Chúa Nguyễn  ban. Mạc Thiên Tứ (1710-1780) kế nghiệp cha làm Tổng Binh Đô Đốc trấn thủ Hà Tiên được quyền đúc tiền vì có công giúp Chúa Nguyễn. Năm 1777 ông chạy sangXiêm La lánh nạn nhà Tây Sơn rồi bị kẹt  và bị bức tử nơi ấy.Mạc Thiên Tứ  là người văn võ song toàn. Khi còn ngồi  ở trấn Hà Tiên, ông có công rất  lớn với nền văn hóa. Ông đã lập ra Chiêu Anh Các và họp với các văn nhân Hoa Việt cùng nhau xướng họa nhiều bài thi còn lưu truyền đến nay, đáng kể là bộ Hà Tiên Vịnh Tập.  Trong bộ này, có bài thơ của ông  Lâm Trác Chi, biệt hiệu là Đông Hồ  ( vì mê Hà Tiên  mà lấy một địa danh làm biệt hiệu).

Bài thơ của  Đông Hồ Hà Tiên  Thập Cảnh:

Mười cảnh Hà Tiên rất hữu tình

Non non nước nước ngẫm thêm xinh

Đông Hồ, Lộc Trĩ  luôn dòng chảy

Nam Phố, Lư Khê một mạch xanh

Tiêu Tự, Giang Thành, chuông trống ỏi

Châu Nham, Kim Dự, cá chim đoanh

Bình San, Thạch Động là rường cột

Sừng sững muôn năm vẫn để dành

Đông Hồ đối chiếu với Tây Hồ. sông Giang Thành đối chiếu với sông Hương, Bình San đối chiếu với núi Ngự chôn Thần Kinh. Thạch Động so với vùng Hương Tích với các ngôi Chùa.  Ngư thuyền ở Rạch Vượt. Đi chân không  nơi Bãi Ớt   

 
 

 

                   Hà Tiên thập cảnh

                          của  Mạc Thiên Tích

1-      Kim Dư Lan Đào 

( Kim là vàng, là kim khí. Dự là hòn đảo nhỏ. Lan là ngăn chặn. Đào là sóng to.  Kim Dự Lan Đào là hòn đảo vàng ngăn chặn sóng gió)

Kim Dự này là núi chốt then,

 Xanh xanh dành trấn cửa hà Tiên

Ngăn ngừa nước dữ khôn vùng vẫy

Che chở dân lành khỏi ngửa nghiêng

Thế cả vững vàng trên Bắc Hải

Công cao đồ  sộ giữa Nam thiên

Nước yên chẳng chút lông thu động

Rông bủa nhơn xa tiếp bách xuyên

     2-  Bình San Điệp Thúy

 ( Bình là tấm bình phong. Bình San San là dẫy núi dựng  như  bức bình phong ở sau thành Hà Tiên. Điệp là trùng trùng  điệp điệp, lớp lớp  từng từng .  Thúy là mầu xanh chim trả . Bình San Điệp Thúy là ngọn núi như tấm bình phong sắc xanh lớp lớp)

Một bước càng thêm một thú yêu.

 Ngần cây vít đá vẽ hay thêu

Mây từng khói liễu chồng rồi chập

 Đàn suối ca chim thấp lại cao

Luật ngọc  Trâu ông chăng phải thổi.

Ngòi sương  Ma Cật đã thua nhiều.

 Đến đây mới biết lâm tuyền quí

          Chẳng trách Sào, Do lánh Đế Nghiêu

        3- Tiêu  Tự Thần Chung

(Tiêu là tịch mịch vắng vẻ. Tự là  chùa. Thần là buổi sáng sớm. Chung là tiếng chuông. Tiêu Tự Thần Chung là tiếng chuông buổi sáng sáng ngân vang ở  cảnh chùa tịch mịch)

Rừng thiền xít  xát án ngoài tào

 Chuông gióng chùa  Tiêu tiếng tiếng cao

Chảy thỏ bạt vang muôn khóm sóng

 Oai kình tan tác mấy cung  sao

Não phiền kẻ nấu sôi như vạc

Trí huệ người mài sắc tựa dao

 Mờ mịt gẫm đường say mới tỉnh

 Phù sanh trong một giấc chiêm bao

        4- Giang Thành Dạ Cổ

(Giang Thành là thành luỹ đóng ở bến sông. Dạ là ban đêm. Cổ  là tiếng trống. Giang Thành Đạ Cổ   là tiếng trống cầm canh ở chỗ đồn thú bên bờ sông về ban đêm)

Tống quân Giang  thú nổi oai phong

Nghiêm gióng đòi canh ỏi núi sông

Đánh phá mặt gian người biết tiếng

Vang truyền lịnh sấm chúng nghiêng lòng

Phao tuôn đã thấy yên ba vạc

Nhiệm nhặt chi cho lọt mảy lông

Thỏ lụn sớm hầu trưa bóng ác

 Tiếng xe sầm sạt mới nên công

          5- Thạch Động  Thôn Vân

( Thạch Động là động đá.Thôn là nuốt. Vân là mây. Thạch Động Thôn Vân là động đá nuốt mây)

Quỉ  trổ  thần xoi nổi một tòa

 Chòm cây khóm đá dắư tiên gia

 Hang sâu hẳm hẳm mây vun lại

 Cửa rộng  thinh thinh gió thổi qua

 Trống rỗng bốn bề thâu thế giới

Chang bang một  đãy chứa yên hà

 Chơn trời mới biết kho trời đấy

Cân đái hèn chi rỡ ỷ la

6-      Châu Nham  Lạc Lộ

(Châu Nham là dẫy núi đá dựng đứng, đá xanh.  Châu là châu ngọc. Nham là núi đá. Lạc là  rơi rớt. Lộ là con cò trắng.  Châu Nham Lạc Lộ  là ngọn núi đá có những đàn cỏ trắng rơi rớt bay đáp xuống nghỉ cánh)

Biết chỗ mà nương ấy mới khôn

Bay về đầm cũ mấy mươi muôn.

 Đá  giăng  chữ nhứt dài trăm  trượng

Lại sắp bàn vây trắng mấy non

Ngày giữa ba xuân ngân phấn vẫy

Đêm trường chín hạ tuyết sương còn

           Quen cây, chim thể người quen Chúa

 Dễ đổi ngàn căn một tấc son

        7-    Đông Hồ Ấn Nguyệt

(Đông Hồ  là hồ ở phía đông  thành Hà Tiên. Ấn nguyệt là  trăng in, ánh trăng in xuống mặt hồ )

Một hồ  lẻo lẻo tiết thu quang

Giữa có vầng trăng nổi rõ ràng

Đây nước chơn mây in một sắc

Ả Hằng nàng Tố ló đôi phương

Rạng thanh đã hứng thuyền Tô  tử

Lạnh lẽo càng đau kiếng   Nhạc  xương

Cảnh một mà tình người dễ một

 Kẻ thì ngả ngớn kẻ sầu thương

8---Nam Phố  Trừng Ba

(Nam Phố là bãi ở phía nam đối với Đông hồ  là hồ ở phía Đông. Trừng là nước lặng lẽ. Ba là sóng. Nam Phố Trừng Ba là  là bãi biển ở phía nam mà sóng nước lặng lẽ)

Dòng nam vững rạng  khách dầu chơi

Hai thức thư thêu nước với trời

Bãi khói dưới không  hương lạ bủa.

Hồ gương  trong có gấm thêu rơi.

Sóng chôn  vảy ngạc tình khôn xiết

 Nhạn tả thư trời giá mấy mươi

Một lá yên ba dầu lỏng lẻo

Đong trăng lường gió nước vơi vơi

9---Lộc Trĩ  Thôn Cư

(Lộc là con nai. Trĩ là mỏm núi, mũi núi. Lộc Trĩ  là Mũi Nai. Thôn cư là  ở  thôn trang dân cư)

Lâm lộc ai rằng thú, chẳng thanh

Nửa kề nước biếc, nửa non xanh

Duỗi co chẳng túng kiền khôn hẹp

Cúi ngửa  vì tuân đức  giáo lành

Lưu loát hưởng dư ơn nước thạnh

Ê hề sẵn có của trời dành

 Đâu no thì đó là an lạc

Lựa phải chen chân chốn thị thành

10-      Lư Khê Ngư Bạc

(Lư là loại cá  vược. Khê là khe, là rạch. Ngư là nhà thuyền chài, người lưới cá, câu cá. Bạc là thuyền đò bến. Lư Khê  Ngư Bạc  là  cảnh  Rạch Vược, nơi  thuyền ngư  đỗ bến)

Bên  Vược  nhà ngư chật mấy tầng

Trong nhàn, riêng có việc lăng xăng

Lưới chải phơi trải đầy trời hạ

Gỏi rượu hê ha toại nghiệp hằng

Nghề  Thuấn hãy truyền bền trắt trắt

Dân Nghiêu còn thấy đủ răng răng

 So đây, mười cảnh thanh  hòa lạ

     Họa cảnh Đào Nguyên mới sánh chăng

 

Trên đây là  thập cảnh Hà Tiên  của Mạc Thiên Tích  tự là Sĩ Lân đương thời  tước phong là  Tông Đức Hầu. Mạc Thiên Tích là con của Mạc Cửu. Năm Mậu Tý  (1708), Mặc Cửu đem đất bảy xã của mình khai thác qui phụ vào bản đồ  Đàng Trong. Chúa Nguyễn Phúc Chu phong cho Mặc Cửu chức  Tổng Binh về trấn giữ và cải địa Danh Mang Khảm làm Hà Tiên trấn.   Sau khi  kể ra  thập cảnh Hà Tiên của Mạc Thiên Tích,  thi sĩ Đông Hồ  có kể rằng hai tiếng Hà Tiên  tự nó đã đủ nói lên một vùng sông nước thần tiên, mông lung phiếu diểu và nói ở vùng này  có tục truyền rằng: những đêm thanh cảnh vắng  khoảng sông nước  giữa Đông Hồ Kim Dự, có trông  thấy quần tiên tụ hội, bày ra cảnh  du hồ. Bấy giờ thì trên sóng, trên mây, nhã nhạc vang lừng, tiêu địch sinh  ca thánh thót. Nhân đó mà mệnh danh  là Hà Tiên, nghĩa là khoảng sông nước có thần tiên  giáng hạ. Tục  truyền như thế, cứ hẵng biết như thế. Người có lịch sử thần tiên, là người kỳ nhân, đất có lịch sử là đất có danh thắng.  Nói đến đây, thi sĩ Đông Hồ  hứng khởi  viết ra  bài thơ Hà Tiên Thập Cảnh

Mười cảnh Hà Tiên rất hữu tình

Non non nước nước gẫm nên xinh

Đông Hồ Lộc Trĩ luôn dòng chảy

 Nam Phố Lư Khê một mạch xanh

Tiêu Tự Giang Thành chuông trống ỏi

Châu Thành Kim Dự cá chim đoanh

 Bình San Thạch Động là rường cột

Sừng sững muôn năm vẫn để dành

Ngày nay, khách từ phương xa đến đây ngạc nhiên sung sướng trước một vùng đất nước tươi đẹp. Bao nhiêu điều muốn hỏi, mỗi câu hỏi là một lời ngợi ca không nén được mà cứ như reo lên :

Đông Hồ ai lắng mà trong

Tô Châu ai dựng mà trông cao vời

Ai xây Thạch Động ai ơi

Mũi Nai ai đắp nên ngời biển xanh

Ai xây chiến lũy tường thành

Pháo đài sừng sững đứng canh biển trời

Ở xa anh mới tới nơi

Đất nước núi sông tươi mầu hoa gấm

Khách về đây, đến bãi tắm Mũi Nai

Vứt ưu tư trên cát biển trải dài

Ngắm thắng cảnh nhìn danh lam tuyệt tác

Thạch Động , Chùa Hang đã tạo nên hình

Bến Đông Hồ trăng soi bóng lung linh

Dừa bảy ngọn kết thành đuôi chim phượng

Cho nên biết bao lưu luyến khi phải chia tay với cảnh, với người:

Anh đến vội mà đi cũng vội

Mới gặp nhau lại phải chia tay

Tình anh như nước biển đầy

Dù xa vẫn nhớ những ngày Hà Tiên

Dù có đến với nhiều nơi khác thì vẫn nhớ về Hà Tiên thân thương tự thủa nào:

Dẫu anh đi khắp trăm miền

Vẫn thương vẫn nhớ Hà Tiên ruột rà

( trích bài tham luậnGiáo sư Lê Đình Kỵ trong Hội Thảo 250 năm Chiêu Anh Các)

"Ngỡ ngàng anh hỏi. em cười chi em": Cười thông cảm, cười sung sướng tự hào về quê hương, về địa phương của mình, chắc đã thỏa lòng ước mong của khách. Hà Tiên có hơn 50km bờ biển với những bãi tắm như mời, như gọi. Tiếng gọi từ đồng bào địa phương mến khách và cũng là từ nỗi ước ao của khách mong được đến vùng sóng nước nổi tiếng của miền Nam này:

Về đây với đất Hà Tiên

Sóng xanh như thế mẹ hiền bao dung

Lại còn cây dừa bảy ngọn, bốn ngọn ngay giữa thị trấn Hà Tiên thêm một cảnh lạ, thêm nỗi ngạc nhiên trầm trồ của khách

 
 

 

         Đường vào Hà Tiên

Ôi! nước biếc non xanh cảnh cũ

Mối thương yêu buộc tự bao giờ

Mà khi đất khách lần lừa,

Hồn non nước luống thẩn thờ chiêm bao

( Thơ Trúc Hà)

 

Trước kia, giữa Hà Tiên và Châu Đốc còn nhiều liên hệ, thì những mối giao thông cũng do đó mà  tới . Chỉ có một con đường xe độc nhứt là con đường phải đi nhờ trên phần đất Cambodge. Du khách từ Nam Vang tới hay từ Châu Đốc qua cũng phải do con đường từ biên giới đó mà vào. Noi đường này, qua khỏi biên giới thì đến xóm Lục Sơn Hòn Đất, một bờ đất lịch sử mà Giám Mục Bá Đa Lộc đặt bước chân đầu tiên lên lãnh thổ ViệNam, hồi giữa thế kỷ 18.

Đi tới đây, đã bắt đầu nghe hơi gió mát rao rao. Lần theo hơi gió mát mà vào, còn cách Hà Tiên độ 3 cây số, thì kề ngay bên đường về bên trái, sừng sững một tòa Thạch Động : Cảnh quái thạch kỳ nham đó sẽ cho du khách những cảm giác đột ngột lạ lùng.

Và cũng từ Châu Đốc lại bằng con đường nước, theo kinh Vĩnh Tế, đến rạch Giang Thành. Du khách vừa trải qua con kinh Vĩnh Tế gần suốt ngày đường, rồi lại phải đi quanh co theo con rạch Giang Thành khúc khuỷu thì chợt một cái, vượt ra khỏi Vàm Hàn.Trước mắt, bày ra 1 vùng mênh mông bát ngát. Đông Hồ với mây với gió, Tô Châu với núi với đồi bờ xanh bãi lục. Thần tiên còn đâu nữa mà đây chẳng là thần tiên.

Vào khoảng năm 1930-1931, Rạch giá và Hà Tiên mới mở lối giao thông bằng con kinh đào, và ít lâu sau, một con đường đất đắp song song dọc theo bờ kinh Xáng . Như vậy là vào thiên thai,  chúng ta có thêm một con đường nước và một con đường bộ.

(Nhà xuất bản Văn Hóa ( tác giả) Đông Hồ & Mộng Tuyết

            Nếu muốn  coi Bình Định xin click  Bình Định

           Nếu muốn coi Lạng Sơn   xin click   Lạng Sơn

            Nếu muốn coi  Đèo ngang  xin click   Đèo ngang