Những món ăn của Dân Cư Vùng Đồng Bằng Cửa Biển Thần Phù
Đồng bằng cửa biển Thần Phù là vùng giao thoa giữa biển cả với sông Đáy (hệ thống sông Hồng) và các phụ lưu của sông Đáy. Nó là vùng nước sông và nước biển trộn lẫn phù sa giao thoa với nhau, vùng mà nước từ nguồn phối hợp với biển cả đem đến cho cư dân một khố lượng thuỷ sản vô cùng quý giá . Xin giới thiệu với quý độc giả những món ăn xuất phát từ khối lượng thuỷ sản phong phú này mà dân cư trong vùng thường thưởng thức. |
||
A- Những món ăn xuất phát từ thuỷ sản biển (nước mặn) 1- Cua lột (cua rẽ): Con cua không động đậy vì đang trong thời kỳ chúng lột xác. Chính lúc đó mu cua bắt đầu nứt ra, cũng vì thế mà gọi là cua rẽ. Đặt cua lên cái rổ. Rổ có lỗ bằng hạt ngô. Từ từ bóc những mảnh mu cua ra. Thế là cái mu non mềm đó bao bọc cả con cua ở trong có gạch. Rồi tiếp tục bóc vỏ càng cua. Cả con cua nguyên vẹn hiện hình mềm mại. Đặt cua vào đĩa, rắc tiêu, muối rồi ướp với hành tía. Để một lúc lâu, rồi rim trên chảo. Mùi thơm xông ra cả nhà. 2- Cua bể Con cua ở vùng gần biển đục lỗ sâu cả thước. Lỗ cua rất sâu gọi là cái mà. Lúc nước thuỷ triều, lỗ cua bị nước tràn ngập. Khi nước thuỷ triều xuống, cua bò ra kiếm mồi để lại vết chân mới. Nhờ vết chân mới, mà người ta biết lỗ có cua. Người ta dùng xẻng thật sắc đào vừa phải, rồi thò tay vào bắt. Ở miền Nam, tại Năm Căn cũng có loại cua này. Cua Năm Căn cũng sống ven sông lạch vùng giao thoa nước ngọt và nước mặn. Cua bể lớn hơn con ghẹ, gọng lớn hơn trái chuối nhỏ. 1/- Người ta rửa cua sạch, luộc cua, bóc cua ra rồi chấm muối tiêu chanh mà ăn . Ngon tuyệt vời. 2/- Người ta luộc cua, gỡ thịt, lấy gạch để riêng ra. Thịt cua xào với miến, tra mắm muối , mộc nhĩ xắt nhỏ, hành tía (tím).Trước khi bưng ra, đổ gạch cua lên trốc. Trên trốc đĩa miến xào, người ta rắc mùi tàu ( ngò gai), và tiêu. Thế là một điã miến xào cua thật hấp dẫn. -3/- Người ta nấu xúp cua với miến hoặc với măng, rồi múc vào từng bát vào đầu bữa ăn, trên bát xúp thêm ngò và tiêu 4/- Người ta cũng làm chả giò bằng thịt heo kèm thêm thịt cua . Đây là món ăn khoái khẩu nhất của dân sành ăn. 3- Con Xà Xạ Vừa qua mùa xuân, sáng tinh sương, trước mặt trời mọc, những con Xà Xạ nằm nổi trên đất phù sa bồi còn sình lầy . Con Xà Xạ hình thù giống hệt con dã tràng, gọng cái rât nhỏ, các gọng nhỏ và cao thon thon bằng nhau, mắt giương cao, thân hình gọn ghẽ. Mình bề ngang 4cm, dài 7cm. Vừa mới lột nên thân hình Xà Xạ mềm mại không di chuyển được. Muốn bắt chúng, người ta đi giẫy. Giẫy làm bằng miếng gỗ dài đủ chịu sức nặng một người, trên có thành gỗ nhỏ để vịn. Đặt giẫy xuống, quì gối trên miếng gỗ, tay vịn vào thành giữ thăng bằng, chân kia đạp lướt, tay kia lượm Xà Xạ . Rửa Xà Xạ sạch, để ráo nước, phi hành tía với nước mắm ngon, không dùng dầu mỡ ( khác với rán) rồi thả từng con xà xạ vào nồi. Lửa phải để thật nhỏ thường riu riu để có thể rim ( nấu) lâu cho con cua cứng chắc lại. Xà xạ rẻ không kém hương vị so với cua bể lột. |
||
4- Cua Rạm Cua rạm giống cua rốc nhưng mình dẹp, chân đều, Hai còng còn gọi là gọng cái đều nhau rất sắc và mạnh ( cắp đau chết điếng). Cua rạm ngang 5 cm dài 7cm. Cua rạm chỉ thấy vào tháng 6 cho tới tháng chạp trước khi mùa nước biển dâng lên cao. Muốn bắt cua rạm, người ta đóng đáy. Để đóng đáy, người ta đóng hai hàng cọc lớn bằng luồng ( tre lớn 7cm đường kính) rồi những mảnh đan bằng lứa ( giống như tre nhưng vỏ thật mỏng), chắn dọc theo hai hàng cột từ phía sát bờ nước ra tới gần giữa sông. Giữa 2 hai hàng chắn cách nhau 10m để hạ lưới. Khi nước ròng thì thả lưới. Đuôi lưới có một giỏ thật lớn. Cứ 2 tiếng đồng hồ nhấc lên, đổ cá tôm và Cua rạm vào thuyền Món Kho cua rạm: vặt hết chân rồi rửa sạch cho chút muối với hành và nước mắm,. Có khi bóc vỏ trước khi kho. Cua rạm kho ăn với cơm thật ngon. Thường cua mẩy chắc, nhiều gạch, nhiều thịt ăn bùi ngậy. Khi ăn bỏ mu, lấy gạch trộn cơm, bát cơm đỏ như xôi gấc.
Món Nấu canh rau đay với cua rạm : Chân Cua rạm thì giã ra, gạch cua rạm khêu vào bát, bỏ mấy hạt muối, đến khi nồi canh cua chín thì đổ gạch vào nồi. Rêu cua trôi lều bều trên bát canh.
Món Nấu canh bánh đa hay nấu bún riêu với cua rạm: xé cua, bóc yếm, khêu gạch, rồi giã cua có cả chân. Gĩa nhuyễn rồi, thì đổ nước lã vào, rồi lấy rổ lọc nước, tra muối mắm, hành. Sau đó đun sôi, sau mấy phút, đổ rau đay, (mồng tơi, rau ngót) vào. Trước khi bắc nồi canh ra, đổ rêu cua trên nóc, chờ nồi canh sôi trào lên là được Canh cua rạm không nồng như canh cua rốc, vì cua rốc có nhiều chất vôi. |
5- Tôm He Tôm He là loại tôm khá lớn, vỏ mềm, trắng, hình thù như tôm rảo, khổ lớn gấp đôi gấp ba tôm rảo. Hai hàng chân ở bụng đỏ tươi. Mỗi ký chỉ cân được 9 dến 12 con. Tôm này thường thấy ở cửa Sung thuộc vùng Bạch Câu Rim với nước mắm thật ngon và hành tía. Thường xiên từng 5,6 con phơi khô đem ra chợ bán hay nướng. Đó là món ăn hảo vị thường dùng làm quà biếu.
6- Cá Biển (Cá nước mặn) : gồm có cá thu, cá mực, cá hồng, cá khoai, cá trỏng Cá thu làm sạch, kẹp vào chiếc kẹp dài dọc theo hình thù con cá, nướng qua con cá để khỏi bị ươn. Khi mua cá về, cắt cá thành khúc khoảng 2 đốt ngốn tay, cho vào nồi, rồi tra nước mắm, hành lá, hành tía và vỏ quýt khô rồi rim cá. |
||
B- Những món ăn xuất phát từ thuỷ sản sông rạch (nước ngọt) 1- Cua Rốc Cua Rốc là Cua đồng ruộng. Nó có thân mình dầy hơn, cao hơn, lớn hơn cua rạm . Nó bò nghênh ngang, còn cua rạm bò lẹt xẹt. Gọng ( càng cua) Cua Rốc lớn. hơn gọng cua rạm. Càng có cái to cái bé, còn chân hai bên bằng nhau. Cua Rốc sống ở bờ sông bờ ruộng quanh năm Muốn bắt Cua Rốc thì tìm lỗ cua, cho tay sâu vào lỗ để bắt. Hãy cẩn thận kẻo cua cắp,kẻo bị rắn vì rắn hay lẻn vào. Người ta thường dùng vó tép để bắt. Vó tép hình vuông mỗi chiều ½ m vải màn cũ. Gọng vó l, 2 m bằng tre, vót tròn lớn hơn chiếc đữa, ghép chéo vào nhau, trên trốc chân gọng buộc vào 4 góc miếng vải màn, lòng vó trũng để bắt giữ tôm tép cua , khung vó cao khoảng 35cm hay 40cm. Món ăn: Cua Rốc nấu các loại canh không kho . Canh ngọt mùi nồng 2- Cáy Cáy giống như cua rốc và cua rạm. Giống cua rốc, nhưng mình thon hơn, nhỏ hơn. Gọng cái nhẹ nhàng hơn, những gọng kia có thêm lông. Cáy không sống trong ruộng mà sống trên các bờ sông, hay bên bờ các ruộng cói gần sông. Cáy cũng làm lỗ để ở. Bắt cáy bằng cách câu nó bằng đùi cóc, bằng cách để đó (đó= cái bẫy lớn bằng tre thả dưới nước trong những ống cống dẫn nước vào ruộng, cống nhỏ qua đường đi trong ruộng. Con cáy cái to bằng đầu ngón tay cái Món ăn: Cáy dùng làm mắm. Mắm cáy mầu nâu như bùn nhất là mắm để lâu. Trên mặt lọ mắm, cũng chắt lấy nước mắm, nhưng mắm này không ngon như mắm cá. Nếu mùa cáy có trứng, trứng nằm dưới yếm. Lấy trứng ép tròn bằng đồng tiền, xâu vào 1 chiếc que phơi khô để dùng giống như tôm khô. Lấy trứng cáy nấu canh giống như dùng tôm khô nấu canh. Trứng cáy khô là món ăn hảo hạng quý phái dân niền Bắc. 3- Cua Ra + Cá Chép Cua Ra to bằng cua bể, nhưng mu và gọng sần sù không bóng trơn như cua bể. Cua Ra không có gạch, nhưng nhiều thịt hơn cua bể. Hai gọng cái (càng) có lông thật dày ở cả hai đốt. Lông cua mầu nâu như mầu đất bùn Vào tháng một tháng chạp. Cua Ra và Cá Chép xuất hiện. Muốn bắt hai loại thuỷ sản này thì người ta căn theo nước thuỷ triều đi kéo vó 2 bên bờ sông. Dòng nước thuỷ triều là cơ hội nước mặn và nước ngot gặp nhau: nước biển mặn gặp nước ngọt từ nguồn chảy xuống. Cua Ra và Cá Chép không chiụ được nước mặn sẽ vào vó nhiều, nếu đặt vó đúng chỗ giao thoa nước biển và nước ngọt Món ăn: Cua Ra chỉ luộc ăn chứ không làm món ăn như cua bể,. nhiều thịt, ít gạch 4-Tôm Rảo, tôm càng
Vùng cửa Thần Phù nổi tiếng về tôm rảo, tôm càng và tép như tép gạo, tép hương, tép trứng. Hai loại thuỷ sản này nhiều ở sông Càn, và đồng ruộng. Tôm này vào đáy hay đó. Tháng 7,8,9,10 , chắn 2 hàng phên đan tre, đặt đó ở dòng nước chảy trong ruộng, giữa cống dẫn nước từ khu ruộng này sang ruộng kia. Đổ đó mỗi giờ, hoặc khi nghe tôm nhảy
Tôm Rảo cứng vỏ. Món ăn: Khi kho thường để cả vỏ, đài các thì bóc vỏ thường kho nhạt. Con tôm đỏ tươi. Khi Kho tôm: thêm mắm ngon, muối ,hành tía, tiêu, ớt |
||
Người ta còn dùng tôm : 1/- trộn vào thịt xay làm chả giò 2/ -làm nộm : nộm hoa chuối, nộm rau muống. Loại nộm này : bóc tôm (hay dùng loại tôm nhỏ hay dùng tép) thái khế chua cho vào, thêm ít rau thơm thái nhỏ , mè ( vừng) rang hay đậu phọng ( lạc) xay nhỏ trộn vào. Đậm đà : thêm mắm tôm , vắt 1, 2 trái chanh. Món nộm này khắp Bắc nam . Tép gạo hay tép trứng không vặt gai ở đầu con tép. 3/- làm Gỏi Tôm Tôm : ngắt đều đầu Rửa sạch. Khi nước sôi, chỉ cho tôm vào mấy phút thôi. Nấu món chẻo (nước chấm ) :: đầu tôm vặt sạch râu, rồi băm nhuyễn, pha mắm tôm hay muối, me, hành, đường cho dịu, đổ vào nồi nấu sôi hai ba chập, thêm ớt thái nhỏ và tiêu vào chẻo Món lá ăn gỏi : lá sung, lá mơ ( thúi địt), lá nghệ, lá cóc, lá kinh giới, lá chanh, lá đinh lăng, lá húng quế hay húng chũi Cách Ăn gỏi : Lá lớn để dưới, lá nhỏ để trên, con tôm luộc trên, lấy muỗm múc 1/3 muỗm chẻo lên trốc, con tôm, cuộn lại cho vào miệng Gỏi tôm thường ăn thêm bánh đa, đậu phụng rang, hay bánh phồng tôm |
5-Tép
Cách bắt tép 1/- Dùng chiếc vó thật nhỏ ½ m làm bằng vải màn. Bỏ vào vó 1 chút cám gạo rang ( thính) làm mồi khoảng 10 phút, nhắc vó lên : vài muỗm tép : tép gạo tép trứng 2/- Dùng chiếc Đó có hom nhỏ Sau vụ gặt, nước ruộng bắt đầu cạn, cao hơn mắt cá chân, thì người ta đắp đường nước nhỏ xiú di chuyển chậm, để chiếc đó tép có hom nhỏ vào buổi tối. Vào buổi sáng, nhấc Đó được 2, 3 chén
Món ăn của Tép có 3 dạng : 1/-Nấu tép Tép cho vào niêu, thêm mấy nhánh hành tím giã đập giập, chút nước mắm hay muối tiêu, rồi nấu . Sau mấy phút tép đổi mầu vàng hay đỏ là được. Khi ăn thì vắt chanh. Thêm ít lá chanh thái thật nhỏ. 2/ -Người ta cũng dùng tép tráng bánh khoái, bánh xèo 3/ dùng tép làm mắm chua hay mắm ruốc để trữ ăn dần 4/Tép phơi khô để rim ăn hay nấu canh |
||
6-Cá nước ngọt Cá nước ngọt phân ra làm hai loại \
Loại thường sống ở sông: cá bớp, cá bống, Cá lư , cá kìa ( có gai), cá ngạnh (cá úc) cá rô, cá diếc. - Cá chẻm ( cá vược), cá đối, , cá nác nhậu, cá kèo, cá bống mũn, Loại thường sống ở trong ao: cá chầy, cá chép, cá mè, cá mương, cá Chuối . cá trắm,
Cá bớp : cùng loại với cá bống, nhưng đen thui, mập ù, ở bờ sông ở lỗ rồ ( lỗ có nước chảy từ sông vào ruộng), sống trong lỗ đón bắt tôm tép. Ăn ngon, hấp với nước mắm ngon, hành tiêu, mộc nhĩ. Cá này vào nồi để ở gầm giuờng nhiều tuần lễ mà không chết vẫn béo mập . Loại cá quý.
Cá lư : sống ở bờ sông có bùn, bụng đầy trứng, mình sần sù da cóc. Nấu ăn : dùng trấu chà cho hết nhớt, nấu với củ chuối hay trái chuối xanh, tra hành mỡ, thêm chút mè. Ăn bùi ngậy, sần ật như cùi dừa= món nhậu
Cá chẻm ( cá vược) Cá chóng lớn và hung dữ, bắt trong ruộng hay trong sông. Tháng 4,5 cá con bằng ngón tay, tháng 7,8 bằng bàn tay, bắt nó bằng cách câu, thả lưới dài ngang chiều gió, lưới sau 2,3 m. cứ mấy tiếng soát lưới Nấu canh chua rất ngon
Cá Chuối và cá Rô lóc lên bờ khi mưa lớn. Cá Rô thời tiết lạnh tháng 3 gió bấc bị giá lạnh không di chuyển ; dân dùng rổ hay lưới nhỏ xúc, béo. Gần trưa, trời nắng , cá Rô tỉnh lại Món ăn đâc biệt: Gỏi cá Gỏi cá mè hay cá chép Cá sống: làm sạch vảy, lạng hai cái sườn làm gỏi. Vải sạch hay giấy bổi lau cá cho sạch và khô hết nhớt. Thái thành miếng nhỏ, trộn thính (gạo nếp tán nhỏ) cá đã thái, bóp thính cho đều, đặt vào đĩa là xong Lấy thịt cá hay đầu cá băm nhuyễn, pha mắm tôm, muối, hành , thêm dấm, me hay mẻ . Loại nấu này gọi là chẻo, giống như nước chấm. Món lá ăn gỏi : lá sung, lá mơ ( thúi địt), lá nghệ, lá cóc, lá kinh giới, lá chanh, lá đinh lăng, lá húng quế hay húng chũi Cách ăn gỏi : Lá lớn dưới, lá nhỏ trên, rồi đặt một hay hai lát cá lên trên, lấy 1/3 muỗm chẻo đổ trên, gói lại mà ăn. Thường người ta ăn gỏi cá kèm thêm bánh đa, đậu phụng để có cảm giác ăn bùi ngậy. |
||
Món ăn đâc biệt: Gỏi cá Gỏi cá mè hay cá chép Cá sống: làm sạch vảy, lạng hai cái sườn làm gỏi. Vải sạch hay giấy bổi lau cá cho sạch và khô hết nhớt. Thái thành miếng nhỏ, trộn thính (gạo nếp tán nhỏ) cá đã thái, bóp thính cho đều, đặt vào đĩa là xong Lấy thịt cá hay đầu cá băm nhuyễn, pha mắm tôm, muối, hành , thêm dấm, me hay mẻ . Loại nấu này gọi là chẻo, giống như nước chấm. Món lá ăn gỏi : lá sung, lá mơ ( thúi địt), lá nghệ, lá cóc, lá kinh giới, lá chanh, lá đinh lăng, lá húng quế hay húng chũi Cách ăn gỏi : Lá lớn dưới, lá nhỏ trên, rồi đặt một hay hai lát cá lên trên, lấy 1/3 muỗm chẻo đổ trên, gói lại mà ăn. Thường người ta ăn gỏi cá kèm thêm bánh đa, đậu phụng để có cảm giác ăn bùi ngậy. |
7- Các loại thuỷ sản đặc biệt của sông rạch, đồng ruộng
1/- Các loại ốc: ốc núi, ốc ao, ốc nhồi, ốc rạ, ốc hương
2/ Các loại đặc biệt : lươn, nhệch, rươi . Các con lươn, và nhệch dài như con rắn, chúng có da trơn và không có vảy. Còn con rươi thì giống như con sâu Thoạt nhìn con Rươi thì thấy sợ hãi, nhưng khi chế biến Rươi ra nhiều món ăn, ai cũng tấm tắc khen ngon. Món Rươi là món đặc sản nếm thử thì mê" chỉ có ở vùng đồng bằng Cửa biển Thẩn phù và vủng duyên hải Bắc Việt Nam. |
||
Rươi là đặc sản đã được hàng triệu người của biết bao thế hệ công nhận. Người ta thích các món từ rươi vì hương vị của nó, Rươi là thứ đặc sản ngắn ngày, chỉ có theo mùa vụ mà thôi. Một năm có hai mùa rươi, đó là vào khoảng tháng 4, tháng 5 và tháng 9, tháng 10 âm lịch. Nhưng tháng 9, tháng 10 âm lịch được xem là vụ rươi chính. Ngày 20 tháng 9 và ngày 5 tháng 10 âm lịch sẽ là thời điểm rươi rộ nhất trong năm. Khi đó ở những cánh đồng vùng duyên hải ở Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, rươi nổi dày mặt nước. Đó cũng là lúc những người mê rươi tất bật mua để chế biến món ăn, Chả rươi rán bằng mỡ nóng già, khi rán phải khéo để miếng chả được chín kỹ nhưng không bị khô, và phải ăn nóng mới ngon. Miếng chả nóng hổi vừa vớt trong chảo để ráo dầu mỡ, chỉ cần ít mắm nguyên chất, mấy cái rau mùi, rau xà lách ăn cùng thôi, là đã ngon đã đời. Hoặc nếu miếng ngon không đủ nhiều để ăn vã cho sướng miệng thì ăn cùng cơm nóng hay bún cũng rất "vào". Khi ấy, nỗi sợ hãi con rươi xanh xanh, đỏ đỏ bỗng bay đi đâu hết, chỉ còn vị bùi, béo, thơm nức nở tan ra trong khoang miệng mà thôi . Nem rươi Về cách làm, nem rươi cũng giống như nem thịt bình thường, có miến, có thịt, mộc nhĩ bình thường, chỉ khác là trong nhân nem có thêm rươi và chút vỏ quýt thái chỉ, băm nhỏ cho rươi dậy mùi. |
||
Rươi kho nồi đất Trong số các món ăn ngon từ rươi thì rươi kho nồi đất có lẽ là món giữ nguyên được hương vị đặc trưng của rươi nhất, thậm chí được đánh giá là món ăn sáng tạo nhất của rươi. Rươi kho nồi đất vừa có vị thanh thanh của vỏ quýt , lại đan xen là vị cay nồng của ớt, rắc lên 1 chút hành lá, và rau thơm là bạn đã có một món ăn vô cùng hấp dẫn, và tốn cơm rồi ! Món rươi kho nồi đất được xem là món ăn đắt đỏ. Tuy chi phí cao nhưng với nhiều người món này được coi là đáng tiền với mùi vị thơm ngon đặc trưng, khiến ăn là phải trầm trồ và nhớ mãi.. Những món ăn từ rươi còn nhiều lắm: mắm rươi, lẩu rươi, rươi cuốn lá lốt, hay rươi rang muối. Bởi người ta bảo "mùa nào, thức nấy", vào mùa rươi, nếu không nhanh nhẩu ăn rươi sẽ tiếc nuối lắm thay. ----------- Ngưởi biên soạn : PXK
Tham khảo: lấy từ cuốn sách: "Làng tôi tại cửa Thần Phù " của Tác Giả Trần Khánh Liễm |