Văn hóa ẩm thực người Việt

     

    Từ ngữ  ăn tờng được nhắc tới trong lãnh vực giáo dục  như sau:

 Dậy dỗ một trẻ em thì phải cho nó học ăn, học nói, học gói, học mở để biết ăn, nói với người ta.   Ra đường phải biết " ăn bận" hay " ăn mặc" cho phải cách phải thế.   Đối với mọi người không nên " ăn thua" làm chi cho bận lòng. Làm việc gì phải cẩn thận " ăn cây nào, rào cây nấy" .Trong cuộc sống, " khéo ăn thì no, khéo co thì ấm"   Phải giữ  tư cách không nên ham ăn quá độ vì " no mất ngon, giận mất khôn".  Ra làm ăn phải quyết tâm đừng " cà lơ xích xui" chạy theo " ăn có" người khác. Phải biết " ăn chịu" với người làm việc nghiêm túc, thì công việc khỏi bị " ăn trớt" . Không nên " ăn gian, ăn lận". Phải biết khôn ngoan vì  bỏ lỡ cơ hội thì " ăn năn" cũng muộn. Trong cuộc sống nên tìm việc làm hữu ích cho gia đình, cho xã hội, cho đất nước đừng để mang tiếng " ăn hại" " ăn bám" người khác. Khi đàn chơi phải biết lên dây đàn cho " ăn" với giọng ca, hòa đàn cũng phải " ăn" với nhau, " ăn ý" , " ăn rơ" thì mới haỵ .

Như vật, thì  Từ ngữ “ăn” có rất nhiều nghĩa.   Hôm nay chúng ta bàn đến cái nghĩa của  bữa ăn người Việt.

Cha tôi đã dắt trâu vào
Nghỉ ngơi hút điếu thuốc lào say sưa
Mẹ tôi đi cất cái bừa
Dỡ neo cơm nắm còn thừa sáng nay
Cha tôi đi rửa chân tay
Một ngày mới có lúc này nghỉ chân
Mâm cơm đã đặt ngoài sân
Cả nhà sum họp ngồi ăn vui vầy”.

Ăn là một nhu cầu để sống còn. Nó là một sinh hoạt cơ bản trong cuộc sống. Đã là  sinh hoạt của cuộc sống, thì  vấn  đề ăn hay bữa ăn thuộc lãnh vực văn hóa

  Văn hóa  “ Ăn”  được mang danh hiệu  ẩm thực. Đối với người Việt , ẩm thực không chỉ là nét văn hóa về vật chất mà còn là văn hóa về tinh thần. Qua ẩm thực người ta có thể hiểu được nét văn hóa thể hiện phẩm giá con người, đạo lý, phép tắc, phong tục của một dân tộc.

 

Nét văn hóa về tinh thần

 Trong ẩm thực, Văn hóa tinh thần chính là sự thể hiện nét đẹp cộng đồng sống chung: Thức ăn đầy bàn mà có một nồi cơm, một tô nước mắm để mọi người cùng xới cơm và chan nước mắm ở một nơị. Nét đẹp đó nằm trong sự cư xử giữa người với người trong bữa ăn, làm vui lòng nhau qua thái độ ứng xử lịch lãm, có giáo dục. Nét đẹp đó nằm trong câu nói “:  ăn  coi nồi, ngồi coi hướng” có nghĩa  là trong khi ăn thì  lễ phép được tôn trọng.  Việc ăn uống đều có những phép tắc, lề lối riêng cho mối quan hệ  giữa các phần tử gồm bản thân, gia đình và xã hội.
Bản thân mỗi người phải biết giữ gìn, thận trọng trong khi ăn, cũng như đề cao danh dự của mình: “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, hay “ăn phải nhai, nói phải nghĩ”
Gia đình: ăn chung mâm, ưu tiên thức ăn ngon cho người lớn tuổi, trẻ nhỏ"kính trên nhường dưới", thể hiện sự kính trọng, tình cảm yêu thương. Bữa cơm hàng ngày được xem là bữa cơm xum họp gia đình, mọi người quây quần bên nhau, cùng nhau vui vầy sau một ngày làm việc mệt nhọc.

Xã hội: việc mời khách ăn cơm thể hiện nét văn hóa giữa người với người trong xã hội. Khi có dịp tổ chức ăn uống, gia chủ thường làm những món ăn thật ngon, nấu thật nhiều để đãi khách. Chủ nhà thường gắp thức ăn mời khách, tránh việc dừng đũa trước khách, và có lời mời ăn thêm khi khách dừng bữa. Bữa cơm thiết không chỉ đơn thuần là cuộc vui mà còn thể hiện tấm lòng hiếu khách đặc trưng của người Việt.

 

1-mời cơm

Trước khi cầm đũa cũng như khi ăn xong, đứng lên, bao giờ cũng có những lời mời cơm.   Ở   miền Bắc, người bé mời người trên, con cháu mời ông bà, cha mẹ, anh chị. Lời mời cũng chỉ là lời giao hẹn như nói thầm “nào ta ăn cơm” nhưng khác trong từ ngữ và ngữ điệu. Không bao giờ được mời: “Mẹ ăn cơm nhé”, hoặc “mời mọi người ăn cơm nhé”... mà phải là: “Con mời bố xơi cơm ạ”, “Con mời mẹ xơi cơm ạ”, hoặc “Cháu mời ông bà xơi cơm ạ”. Chữ “ăn” được thay bằng chữ “xơi”. Câu mời luôn có chữ “ạ” phía sau. Sau bữa có thể thay câu đó bằng câu: “Con xin phép ông, con ăn đủ rồi ạ...” Chỉ có người cao nhất trong gia đình mới đáp lại lời mời bằng câu gọn lại: “Nào cả nhà ta ăn cơm đi”.
Những gia đình từ trung lưu, không có kiểu ăn cơm mà không mời, Nhìn một gia đình trong bữa ăn, có thể biết gia đình đó thuộc thành phần ra sao, lễ giáo ra sao, trình độ và hạnh phúc như thế nào...

2- Ngồi đầu nồi cầm trịch bữa ăn

Bà, mẹ hoặc chị lớn ngồi giữ vai trò này. Có một chuyện vui vui. Nhà đông anh em trai, nay có chị dâu cả mới về. Các em thử và trêu chị dâu mới. Vào bữa, họ thi nhau chan canh rồi và lùa. Thế là luôn luôn có bảy tám cái bát chìa ra cho người chị dâu ngồi đầu nồi xới cơm. Phải xới liên tục, cuối bữa ăn, hết  cơm,  chị dâu chưa ăn xong một bát. Tối, lấy cớ về thăm nhà, phải nhờ mẹ đẻ cho ăn cơm nguội. Đó là chuyện vui, nhưng nói lên tính cách người ngồi đầu nồi phải tinh ý, tinh mắt, cầm trịch cho cả nhà trong bữa ăn, nó quan trọng thế nào.

3-  Người vợ trong gia đình không buông đũa khi người chồng chưa ăn xong bữa hoặc chủ gia đình không buông đũa khi khách mời ăn chưa xong. Họ luôn gắp lấy lệ để cầm khách.   

 
 

 

Nét văn hóa về vật chất

    Trước hết, gia đình nào cũng có chỗ ăn cơm riêng. Chỗ đó có  thể  là cái phản gỗ kê bằng đôi mễ,  sang thì có sập gụ rải chiếu hoa. Khi ngồi chiếu trên phản, thì ngồi xếp bằng tròn hay ngồi  chân cao chân thấp  (không được chống nẹ là kiểu chống khuỵu tay xuống đầu gối, khiến người bị lệch, hoặc ngồi bó gối khiến đầu rụt lại, gọi là đầu gối quá tai, kiểu người chỉ biết tham ăn, chỉ biết gục đầu xuống mà ăn).   Những kiểu ngồi  như thế  có vẻ nhiêu khê, nhưng thực ra lại rất đơn giản, vì được nhắc  nhở  từ tấm bé, thành quen thuộc, quen như ánh mắt cha, lời nói mẹ, không cần nhắc một lời nào, mà ai cũng thấy thoải máiGiữa chiếu đặt mâm cơm. Tùy điều kiện, hoàn cảnh,  chỗ ngồi  cũng có thể là  ghế tràng  kỷ,  chõng tre hoặc  bộ  ghế  với  6 hoặc 8 ghế  có tựa hay nhiều hơn nữa được đặt quanh bàn ăn , mặt bàn rải khăn trắng, trên bàn đặt mâm cơm. Ngồi  quanh bàn là những gia đình công chức đã ảnh hưởng văn hóa phương Tây, số này đầu tiên rất ít, sau mới đông dần lên.  Bữa ăn có mâm cơm đặt giữa chiếu hay trên bàn  là bữa ăn chính . Riêng người Hoa kiều không ngồi chiếu mà cũng không có khăn trắng trải bàn. Họ thường có cái bàn tròn, gọi là thồi. Xung quanh là ghế đẩu cho tiện di chuyển và đỡ chật. Không có người ngồi đầu nồi ai cần tự đứng lên ra bên cạnh xới lấy cơm và về chỗ cũ.

 

Ngoài các bữa chính, thì  thỉnh thoảng có những bữa phụ không quan trọng. Ở các bữa phụ thì chỗ ngồi như sau đây:

          Trong phong cách ẩm thực Huế:

+ Ăn khoai, bắp nướng phải ngồi bên bếp lửa hoặc đụn rơm.

+ Ăn cơm hến, trứng lộn phải ngồi chồm hổm bên bà bán trứng, bán cơm.

+ Ăn chè hạt sen ngồi ghế tràng kỷ.

+ Ăn bánh khoái, ngồi cạnh bếp lò, bên khuôn đang đổ bánh, để tai nghe được âm thanh xèo xèo gợi cảm.

+ Ăn bánh đúc, bánh bèo ngồi chõng tre.

 

Dụng cụ ăn uống

Người Việt sử dụng chén (bát) để ăn cơm, ăn chè, và đựng nước chấm. dùng ăn bún, cháo, múc canh. Đĩa để dọn các món xào hoặc kho nấu khô  thường trình bày các món cá hấp. Liễn chứa cơm. Tiềm để các món gà, vịt, bồ câu tiềm.  Nguồn gốc và vật liệu sản xuất các vật dụng ăn uống cùng tùy thuộc đẳng cấp của gia đình trong xã hội. Đũa thông dụng là đũa tre. Gia đình có của sử dụng đũa gỗ Mun hoặcNgà voi. Việc dọn bày món ăn tuy không quy định nhưng cũng đã thành nếp quen: Chè nước múc ly, chè sen múc chén sứ, cơm hến dọn tô đất, đậu hũ múc chén con rồng xanh…

 

Cách ăn có một số quy định

Việc ăn thành mâm và sử dụng đũa và đặc biệt trong bữa ăn không thể thiếu cơm là tập quán chung của cả dân tộc Việt Nam. Vào mâm, bát nước chấm để giữa như hình Mặt Trời trên mặt Trống Đồng, còn đũa được so ra dăm bảy đôi, để vào các khe bát, tỏa đều, như những tia Mặt Trời. Nếp sinh hoạt này đã có hàng nghìn năm không ít. Hầu như người Việt đều tuân thủ một cách tự nguyện, vui vẻ và nghiêm ngặt, trở thành thói quen, thành nếp sống không cần ai nhắc nhở nữa.
1-   Người Việt ăn cơm, cơm đựng trong bát, ăn bằng đũa,
 cầm thìa để chan canh. Không được một tay vừa cầm đũa vừa cầm thìa. Muốn cầm thìa thì phải bỏ đũa xuống đã. Cũng không được chéo đũa, nghĩa là có người đang gắp, mình phải chờ cho xong, không nên tranh nhau khiến đĩa có hai ba đôi đũa, bát nước chấm có hai ba miếng chấm.

2-Không,dùng nĩa và dao . Ăn mà cầm dao thì gần như là vô phép đối với người bên cạnh.  ( Ðài Tiếng nói Việt Nam).

3-   Không dùng muỗng đũa riêng quậy, xới trong thức ăn chung.

4-     Cũng không được nói chuyện nhiều làm bắn nước bọt vào mâm cơm.
    Riêng   ở  miền Bắc
  thì  không ai được gắp cặp díp, không ai được dùng chiếc muôi chung để múc canh mà húp trực tiếp vào đó. Phải múc vào bát riêng của mình. Gắp thức ăn chấm nước chấm, không được kéo rê nó lên các đĩa thức ăn khác (để tránh chuyện ăn mắm tôm chẳng hạn, chấm xong, kéo rê lên đĩa lòng, nhà có người không ăn được mắm tôm đành chịu không dám ăn lòng đựng trong đĩa đó nữa). Khi gắp, khi nhai, khi húp, không bao giờ được gây ra tiếng động, như xuỵt xoạp, như gõ bát lanh canh, như vứt cái thìa xuống mâm kêu xoảng.

 Còn ở   Huế thì  không ai  được với gắp những thức ăn quá tầm tay, nếu muốn gắp  miếng ăn ngon cho mình, trước hết phải gắp cho người bên cạnh.  Thức ăn đưa vào miệng phải thật gọn gàng. Không  được  húp canh sùm sụp.  Vì  món ăn Huế bày biện rất ít, vì thế, lúc ăn dẫu gặp món mình yêu thích   cũng không được gắp quá nhiều lần, tranh hết phần ăn của kẻ khác.

 

      Ăn xong cũng có  vài qui định:

Khi uống nước, thì uống thong thả từng ngụm, để thưởng thức hương vị của thức uống thấm vào vị giác. Tuyệt đối ăn xong không được dựng đứng đũa lên mà “quệt mỏ”. Phải đi lau tay, rửa tay, lau miệng bằng nước, bằng khăn.  Người cao tuổi ăn xong, bao giờ con cháu cũng phải có khăn nhúng nước nóng để cụ lau mặt lau tay, điều này là phổ biến.

 

Các món ăn Việt
- Chung cho  Bắc Trung Nam  ít mỡ; đậm đà hương vị với sự kết hợp nhiều loại gia giảm để tăng mùi vị, sức hấp dẫn trong các món ăn. Văn hoá vẫn dựa trên cơ sở  món tươi cho ra tươi.  Bên cạnh những nét chung đó thì mỗi một vùng miền lại có những nét đặc trưng ẩm thực riêng:


- miền Bắc: món ăn có vị vừa phải, không quá nồng nhưng lại có màu sắc sặc sỡ, thường không đậm các vị cay, béo, ngọt, chủ yếu sử dụng nước mắm loãng, mắm tôm. Hà Nội được xem như tinh hoa ẩm thực của miền Bắc với những món ăn ngon như phở, bún thang, bún chả, bún ốc, cốm làng Vòng, bánh cuốn Thanh Trì và gia vị đặc sắc như tinh dầu cà cuống, rau húng Láng.

      -miền Trung: Người miền Trung lại ưa dùng các món ăn có vị đậm hơn, nồng độ mạnh. Tính đặc sắc thể hiện qua hương vị đặc biệt, nhiều món cay hơn đồ ăn miền Bắc và miền Nam. Màu sắc được phối trộn phong phú, rực rỡ, thiên về màu đỏ và nâu sậm. Ẩm thực miền Trung nổi tiếng với mắm tôm chua, các loại mắm ruốc. Ẩm thực cung đình Huế với phong cách ẩm thực hoàng gia không chỉ rất cay, rất nhiều màu sắc mà còn chú trọng vào số lượng các món ăn, cách bày trí món.

-miền Nam: Do chịu nhiều ảnh hưởng của ẩm thực Trung Hoa, Campuchia, Thái Lan nên các món ăn của người miền Nam thiên về độ ngọt, độ cay. Phổ biến các loại mắm khô như mắm cá sặc, mắm bò hóc, mắm ba khía... Có những món ăn dân dã, đặc thù như: chuột đồng khìa nước dừa, dơi quạ hấp chao, rắn hổ đất nấu cháo đậu xanh, đuông dừa, đuông đất hoặc đuông chà là, vọp chong, cá lóc nướng trui...
-các dân tộc thiểu số: Ẩm thực của mỗi dân tộc thiểu số đều có những bản sắc riêng biệt. Nổi tiếng như món
thịt lợn sống trộn phèo non của các dân tộc Tây Nguyên, bánh cuốn trứng (Cao Bằng, Lạng Sơn), bánh coong phù dân tộc Tày, Lợn sữa và vịt quay móc mật, khau nhục Lạng Sơn, phở chua, cháo nhộng ong, phở cồn sủi, thắng cố, các món xôi nếp nương của người Thái, thịt chua Thanh Sơn Phú Thọ..

 
 

 

Thực phẩm chế biến các món ăn

 

Thời nhà cửa chưa an cư

Nét hoang dã hiện rõ rệt ở ba miền Nam, Trung, Bắc.

Người Việt chưa rảnh rang để chăn nuôi gia súc, trồng rau cải. Toàn là cua, tôm, chim trời, cá lóc nướng. Bơi xuồng vào rừng, phá rừng, trọng tâm là dọn mảnh đất để làm ruộng nước. Bởi vậy, gặp đâu ăn đó, ăn cá nướng thay cơm; ăn rùa, ăn lươn, những thức ăn mà thiên nhiên ban bố cho, không phải nuôi. Thay cho rau cải, cứ bứt đọt cây, đọt cỏ, món gì chua chua, chát chát là cứ ăn, nào đọt cây bần, trái bần chín, đọt ổi, đọt xoài, rau dừa, bông súng, ngó sen, đọt vừng, đọt chiếc… Những món ăn hoang dã ấy gẫm lại khá ngon, nhiều hương vị không gì sánh kịp. Ðó là ký ức tập thể, lưu truyền đến thế hệ sau.

 

Thời nhà cửa an cư rồi

Thực phẩm hàng ngày  quanh quẫn vườn hè, ao mương, ruông vườn. Chập tối, làm siêng giăng một mẻ câu, mè câu chỉ là môt sợi cước dài cột vài lưỡi câu, móc mồi trùn, nhái, giăng sát bờ rạch, dưới bụi trâm bầu, sáng ra gỡ lên cũng vài con cá lóc, cá trê vàng, và đôi khi có cả con lươn vàng nghính.

 Còn rau cỏ thì thôi kể sao cho xiết:   hè nhà mát ẩm  rau càng cua và ngò gai( ngò tây ăn phở) mọc dầy rẫy.  Rau càng cua trộn chút dầu dấm với vài lát củ hành cũng thành một dĩa salad

( có thịt đâu mà ăn).  Tới mùa mưa, đi lần ra vườn cạnh các gò mối dưới gốc các bụi tre, nấm mối mọc từng cụm. Nấm mối nấu canh, xào dầu, ngon ngọt làm sao. Sau vài trân mưa, măng non lùm lùm nổi lên giữa các bụi tre già, măng non hầm giò heo ăn cơm hết cả nồi. Những khi măng mọc nhiều choán đất, người ta xắn cả các mụt măng non làm dưa để dành nấu canh chua.  Măng chua nấu canh với cá ba sa( cá tra, cá vồ, cá vồ đém) là ngon đến quên cả tên tuổi. Những khi rổi rãnh, ra vườn hái một dúm rau dại: cải trời, rau dệu, rau sam, cùng mấy đọt mướp, mấy lá mồng tơi, và lấy rổ vớt dọc bờ ao một dúm tép rong, giã dập nấu canh tập tàng, hết xẩy. Những trưa hè thèm ngọt, bắc lên bếp một nồi xôi, hoặc một nồi chè với đường thùng, loại đường nấu từ mía nhà, ngọt đầm, dẻo dẻo và thơm mùi mía mới. Ôi kể tới ăn uống và nhất là đời sống tự túc đúng nghĩa quê tôi làm tôi nhớ nhà quá (tài liệu của Pham Kim Ngọc  trong Internet)

Sau một thời gian dài an cư lập nghiệp, người Việt hình thành các chợ để phong phú hóa các món ăn.

 

     Chợ

-Trong miền NamỞ quê, gọi là miệt vườn, chợ búa nhóm hàng ngày. Chợ miệt vườn nhóm chồm hổm trên một đoạn đường làng, hay trên một bãi đất trống.

 -Nơi miền trung và miền Bắc, chợ búa là chợ phiên  nghĩa là chợ nhóm cách ngày hay ngày chẵn ngày lẻ. Người ta buôn bán chủ yếu là nông thổ sản, cá tôm câu bắt được, còn thịt thì chỉ những khi có lễ lạc người ta mới xẻ heo mà bán. Kỳ dư dân trong làng nuôi gà vịt heo bò tự túc. Mỗi lần xẻ heo hay bò, cả xóm cùng nhau chia chác, khi thì vay thịt trả thịt, khi thì đổi bằng lúa, nếp, khoai..

Các loại món ăn được chế biến

Cách đây hơn 60 năm

-Dâng cúng ông bà:

Các loại món ăn để dâng cúng ông bà, trên nguyên tắc, chỉ có bốn món. Ngoài Bắc đồng bằng sông Hồng có giò, nem, ninh, mọc, Còn trong Nam có món hầm (ninh), thường là giò heo hầm với măng tre mạnh tông, loại măng to, ít đắng, mạnh tông gợi ý nghĩa hiếu thảo qua truyện Mạnh Tông mắm giá khóc măng trong Nhị Thập Tứ Hiếu. Thêm món thịt ba chỉ luộc, xắt mỏng (thịt phay), món thịt kho với cá, với nước dừa. Và món xào, đại khái thịt heo xào cải, xào hẹ.
Trái cây và bánh đã dâng lên bàn thờ trước khi dọn mâm cỗ. Không được cúng rượu Tây, phải là rượu đế cổ truyền, ông cha ta không biết rượu Tây. Gần như tuyệt đối không cúng những món thịt rừng, hoang dã. Mâm cỗ chủ lực phải đủ 4 món.

 

 -Bữa cơm hàng ngày của người Việt trải qua nhiều thế hệ:

-Trải qua hàng trăm năm trên chặng đường dài kế thừa, phát huy và sáng tạo, các  món ăn ba miền đã lưu lại tiếng thơm trên khắp mọi miền đất nước

 

 -Những món ăn chính của bữa ăn  3 miền: cơm và nước mắm.

 

Mắm: chung của 3 miền

Mắm ấy, dù ở nơi châu thổ sông Hồng, nơi nắng gió miền Trung hay ở miệt vườn Nam bộ, hương vị mặn mòi của nó đã thấm đậm cả tinh chất của đất trời, sông nước -. Dù mỗi loại mắm có kèm theo một “tên tục” riêng: mắm tôm, mắm tép, mắm nêm, mắm ruốc... nhưng tất cả đều ánh lên một sắc đỏ sóng sánh và hương vị đậm đà.

Nguyên liệu làm mắm nào có gì đâu, chỉ là tép đồng, tôm đầm, cá sông, cá biển loại nhỏ. Mà lạ thế, cứ toát lên một hương vị khác lạ không thể lẫn được. Mỗi miền quê đều có một loại mắm riêng, hương vị đặc trưng riêng. Riêng từ cách chế biến cho đến cách thưởng thức. Không phải là sự cầu kỳ, thái quá mà mỗi loại mắm lại “buộc” phải đi kèm theo những thứ dân dã nhưng chỉ vùng đất, vùng quê ấy mới có. Song, tựu trung lại, tất cả mọi loại mắm đều thấm đậm một cốt chất chung - ấy là hương vị của quê hương Việt Nam, là sự cô đọng bao nỗi lam lũ của những người mẹ, người chị, người em gái quê chân đất...

 

Mắm Thái

Dùng chấm thịt luộc, bún. Ăn với các loại rau gia vị, ớt trái và vài tép tỏi. Vị ngọt hơi mặn của thịt cá lóc, vị cay của ớt tỏi và giòn của đu đủ bào quện vào vị béo của thịt luộc, vị mát của bún gạo... làm rung lên tất cả những đầu dây thần kinh vị giác. Và người ăn chỉ còn biết xuýt xoa “Ngon quá...”

 

Mắm Tôm

Dùng nêm cho các món bún riêu, bún thang hoặc chấm đậu hũ, cà pháo... Các bà nội trợ đảm đang đều biết cách “đánh mắm” sao cho dậy hương vị mặn của mắm, dịu đi bằng vị ngọt của đường, chua của chanh và nổi lên bởi vị cay của ớt.

 

Mắm Cá lóc

ăn chung với cơm và các loại rau gia vị, dưa leo. Vị bùi đậm đà của cá lóc lẫn trong vị cay nồng của tiêu, hành, ớt - bỗng dịu lại bởi lát dưa leo... Ngon!

 

Mắm Nêm

Mắm ngon vì vị thơm-chua dịu của dứa bằm, vị cay xé của ớt hiểm. Món bì cuốn, bò nướng cuốn với rau cải xanh và bún mà không chấm với mắm nêm thì chẳng biết chấm với gì cho ngon.

 

Mắm Cá linh

Thường dùng với cơm hoặc bún cùng các loại rau ghém. Mắm dậy mùi thơm của cá, mặn hơi ngọt, vị chua của chanh.

 

Mắm Tép chưng thịt ba chỉ

Mắm làm bằng tép , vị hơi chua, dậy mùi thơm của thính gạo rangcủ riềng băm nhỏ. Thịt ba chỉ thái hạt lựu ướp với hành khô bằm nhỏ, cho vào chảo đảo cho chín tới, vớt thịt ra. Nước mỡ còn lại cho thêm hành vào phi thơm rồi cho mắm tép vào chưng, đến khi hơi sệt lại đổ thịt vào đảo đều ... Ăn với cơm hay bún đều ngon.

 

Mắm Ruốc xào thịt heo

Là món ăn khoái khẩu, dân dã miền Tây. Mùi vị thơm và béo của mắm, thịt “tôn”nhau lên. Dùng với dưa leo và các loại rau gia vị.   

 
 

 

- Những món ăn phụ của bữa ăn  3 miền

Mỗi miền có những món ăn  khác biệt, ngoài hai món  cơm và mắm ra.  Chẳng hạn  riêng theo lối Huế  thì  trọng tâm của bữa ăn: bát canh, chén nước chấm luôn để vị trí giữa mâm hoặc giữa bàn tiệc,  rồi các món ăn khác.Những món ăn  khác này  thì mỗi món chỉ nấu ít, chỉ dọn một đĩa nhỏ, một tô nhỏ…vì thế luôn bắt thực khách phải dừng lại khi đang còn muốn ăn nữa. Đây là một nét độc đáo trong nghệ thuật ẩm thực Huế. Ăn món Huế, dù có ăn mãi suốt đời vẫn luôn thấy ngon

 

 -Kỹ thuật chế biến các món ăn

Kỹ thuật chế biến các món ăn của người Việt  phối hợp thực phẩm, gia vị trong chế biến hợp về mùi và hợp về vị  để có nhiều món ăn. Nhiều món ăn sẽ cho mâm cơm nhiều sắc màu, tạo nên một bức tranh đẹp mắt, tạo cảm giác ngon miệng. Nhiều món ăn sẽ được làm chin bằng nhiều phương pháp khác nhau, tạo sự thích khẩu cho người ăn.   Nhiều món ăn, sử dụng nhiều nguồn thực phẩm khác nhau sẽ cung cấp nhiều nguồn dưỡng chất, giúp xây dựng và bồi bổ cơ thể.

 

Nghệ thuật ăn của người Việt

 

-1-Ăn bằng ngũ quan.

Trước hết ăn bằng con mắt : có nhiều món ăn màu sắc chen nhau, như món gỏi sứa chẳng hạn có giá màu trắng, các loại rau thơm màu xanh, ớt màu đỏ, tép màu hồng, thịt luộc và sứa màu sữa đục, đậu phộng rang màu vàng nâu v. v. . . Sau khi nhìn cái đẹp của món ăn, chúng tôi thưởng thức bằng mũi, mùi thơm của các loại rau thơm như húng quế, ngò, hoặc các mùi đặc biệt của nước mắm, của cà cuống. Răng và nứu đụng chạm với cái mềm của bún, cái dai của thịt luộc và sứa, cái giòn của đậu phộng rang để cho xúc cảm tham gia vào việc thưởng thức món ăn sau thị giác và khứu giác. Rồi lỗ tai nghe tiếng lốc cốc của đậu phộng rang, hay tiếng rào rào của bánh phồng tôm, hay tiếng bánh tráng nướng nghe rôm rốp. Sau cùng lưỡi mới nếm những vị khác nhau, hòa hợp trong món ăn: lạt, chua, mặn, ngọt, chát, the, cay v. v. Chúng tôi ăn uống bằng năm giác quan.


2- Ăn tế nhị:

Ăn ớt có khi phải ăn ớt xắt từng khoanh, ớt bằm, ớt làm tương. Nước chấm nhứt là ở miền Trung rất tinh tế ăn món chi phải có nước chấm đặc biệt: bánh bèo, bánh lá, bánh khoái đều có nước chấm khác.


3. Ăn đa vị:

Một miếng nem nướng đã có vị thịt, riềng, muối, tỏi, hành cuốn vào bánh tráng lạt lạt, có chút bún, rau thơm, ớt (cay) , chuối sống (chát) , khế (chua) , tương ( ngọt, mặn cay) có pha hột điều hay đậu phộng xay ( béo) . Ăn có năm vị chánh: ngọt, mặn, chua, cay, béo, có cả ngũ sắc đen (tương) , đỏ (ớt) , xanh (rau) , vàng (khế chín) , trắng (bánh tráng, bún) . Ăn một miếng mà thấy 5 màu, lưỡi nếm 5 vị và có khi hơn thế nữa.

 

 

Người Việt ăn mấy bữa mỗi ngày?

Cách đây hơn 60 năm thì dân trung lưu khắp 3 miền đất Việt ăn 3 bữa mỗi ngày. Xin dẫn một đoạn đăng trên báo Ðồng Nai, năm 1932:

Lót lòng: Cháo trắng ăn với một món, trong vài món sau đây: ăn với cá kho chiên lại, hoặc thêm chút nước rồi kho cho sắt lại. Hoặc ăn với tôm khô chiên củ hành, hoặc cá lóc chà bông, củ cải ngâm nước mắm.
Cơm trưa: Canh chua bạc hà. Cá nướng (cá sông hay cá biển). Ðồ lòng heo xào củ hành, với bún tàu (miến). Rau luộc (đọt dền hay đọt lang). Thịt kho nước dừa.
Cơm chiều: Canh thịt nấu cải bẹ, thịt kho nước dừa (hồi trưa chừa lại), dưa cải hoặc dưa giá, cá sặc hoặc cá rô muối sương rồi chiên, cua xào dấm.


Ăn mãi như thế thì nhàm, có thể trở bữa. Thí dụ như

 sáng ăn cháo đậu với cá lóc kho tiêu, cháo đậu nước cốt dừa. Hoặc cơm tấm với sườn heo nướng.

Bữa trưa, ăn canh bầu nấu với cá trê vàng, thịt xào rau cần, cá lóc kho với dứa xắt mỏng, đầu trái dứa thì luộc, xắt mỏng ăn với cá kho, hoặc canh khoai mỡ, khoai từ. Hoặc canh chua nấu với trái dứa, mắm kho ăn với rau muống, ghém, rau sống và nhiều ớt, hoặc canh cá phèn, cá vược kho ngót.

 Buổi chiều cách thuỷ, mắm phải bầm trộn vào trứng vịt. Bắp chuối hột hoặc cà dĩa (cà trái ngắn và tròn) để sống ăn với mắm chưng, canh khổ qua hầm thịt.

Buổi ấy, món ăn khá tươm tất, pha chế công phu. Ở thành thị hoặc thôn quê, người mẹ và con gái rảnh rang, không bận rộn làm thêm như bây giờ. Ngày xưa, mướn người phụ việc gia đình dễ dàng hơn ngày nay.    Bắt đầu vào Thế kỷ XX,  hai món chính của bữa ăn chính 3 miền: cũng vẫn là cơm và nước mắm.  Tuy nhiên  món mắm kho, nay được đề cao, trở thành lẩu mắm. “Lẩu” tức là “lô” nói theo giọng Quảng Ðông; mắm kho được đun sôi. Dễ hẫp dẫn và bảo đảm vệ sinh. Ở Sài Gòn, cái lẩu mắm với hơn 10 thứ rau rừng, vẫn hấp dẫn được người có ôtô, nhà lầu  say mê.

 

Cũng bắt đầu vào Thế kỷ XX vì  xã  hội Việt  thay đổi chế  độ  làm việc, nhất là ở  các thành phố  nên chỉ  còn  hai bữa cơm chính hàng ngày.

Sáng nôm na là ăn quà sáng.

Bữa trưa thường ăn vào khoảng giờ Ngọ, tức giữa trưa. ngày nay đã có chiều thay đổi chút ít bữa trưa, tiện ở đâu thì ăn ở đấy

Bữa chiều, ăn lúc lên đèn, khoảng 18 hay 19 giờ.

Nhiều gia đình chỉ có một bữa chính vào buổi chiều;  bữa chiều là lúc có đầy đủ cả nhà. Chính vì  bãi bỏ các bữa ăn sáng  và sau này bãi bỏ bữa ăn trưa, mà có hàng cơm bụi ,quán nhậu, và quán phở  Bắc , quán bún bò  Huế và   quán Hủ Tiếu Nam

 

Hàng cơm bụi

(vì ăn trong bụi phố phường mà thành tên) xưa loại cơm này  bán cho người cơ nhỡ hoặc dân lao động, kẻ lang thang.   Sau n ày ở phố phường còn có quán nhậu

 

Quán nhậu.

 “Nhậu”, theo Tự vị của Huỳnh Tịnh Của in năm 1895 nghĩa là “uống”. Tự vị nói trên còn nêu ví dụ: nhậu nước, là uống nước. Trên nguyên tắc, mời bạn đi nhậu thì chỉ nhằm vào một món đặc sản là tri âm tri kỷ đều ưa thích. Nhậu thì uống rượu nhiều, nói năng lắm khi lung tung, vì vậy tổ chức nơi riêng biệt, thí dụ như ngoài vườn, không cho trẻ con lân la, e chúng nó nhiễm tật xấu. Mời bạn ra sau nhà, ngoài vườn để thưởng thức, ví dụ như thịt chuột rô-ti kiểu Tây, hoặc rùa, rắn, ếch.

 

Quán Phở  Bắc

Phở  Bắc , thường được bán theo 5 kiểu phở bò: chín, tái, nạm, gầu, gân, phở gà. Ngoài ra, thực khách còn đưc thêm 1 chén nước béo (nước mỡ của xương bò) để riêng nếu khách muốn. Phở thường đi kèm với   tương ngọt (tương đen), tương ớt đỏ, và với chanh, ớt tươi, ngò gai, húng quế, giá (trụng nước sôi hoặc ăn sống), hành tây cắt lát mỏng (có thể ngâm với dấm), để riêng trong một dĩa hay rổ ,  khách thích thứ nào thì lấy bỏ vào tô của mình. Sau này đĩa rau đó còn thêm vào: ngò ôm (rau ngổ), húng Láng, hành lá dài, các loại rau thơm khác .

Thông thường thì trên những bàn ăn đó có sẵn đũa, muỗng và những gia vị kèm theo phở như: tương, chanh, nước mắm, ớt

Phở ngon phải là phở "cổ điển", nấu bằng thịt bò,"nước dùng trong và ngọt, bánh dẻo mà không nát, thịt mỡ gầu giòn chứ không dai, chanh ớt với hành tây ", "rau thơm tươi, hồ tiêu bắc, giọt chanh cốm gắt, lại điểm thêm một ít cà cuống, thoảng nhẹ "... Thịt dùng cho món phở có thể là , hoặc . Bánh phở phải mỏng và dai mềm, gia vị của phở là hành lá, hạt tiêu, giấm ớt, lát chanh thái. Phở luôn phải ăn nóng mới ngon, tuy nhiên, để có được những bát phở ngon còn tùy thuộc vào kinh nghiệm bí quyết truyền thống của nghề nấu phở.. Thịt bò được thái mỏng đập dập, nhúng và vớt trong khoảng thời gian phù hợp nên ăn mềm mà vẫn giữ được độ tươi ngon và dinh dưỡng của thịt...

 

Cách chế biến nước dùng (nước lèo)

Trong món phở, công biến nước dùng, còn gọi nước lèo, là công đoạn quan trọng nhất. Nước dùng của phở truyền thống là phải được ninh từ  xương cục, xương ống xương vè của cùng với một số gia vị: Xương phải được rửa sạch, cạo sạch hết thịt bám vào xương cho vào nồi đun với nước lạnh. Nước luộc xương lần đầu phải đổ đi để nước dùng khỏi bị nhiễm mùi hôi của xương bò, nước luộc lần sau mới dùng làm nước lèo. Gừng và củ hành đã nướng đồng thời cũng được cho vào. Lửa đun được bật lớn để nước sôi lên, khi nước đã sôi thì phải giảm bớt lửa và bắt đầu vớt bọt. Khi đã vớt hết bọt, cho thêm một ít nước lạnh và lại đợi nước tiếp tục sôi tiếp để vớt bọt... Cứ làm như vậy liên tục cho đến khi nước trong và không còn cặn trong bọt nữa. Sau đó, cho một ít gia vị vào và điều chỉnh độ lửa sao cho nồi nước chỉ sôi lăn tăn để giữ cho nước khỏi bị đục và chất ngọt từ xương có đủ thời gian để tan vào nước lèo. Hương vị thơm ngon của nước dùng chủ yếu do các loại gia vị quyết định. Tuy nhiên, công thức của từng loại nước dùng cụ thể cho từng hiệu phở được giữ khá bí mật. Mặc dù vậy, có thể nhận thấy các loại gia vị này bao gồm thảo quả, gừng, hoa hồi, đinh hương, hạt ngò gai, thanh quế, hành khô, tôm nõn, địa sâm và theo truyền thống, không thể thiếu một cái đuôi bò.Nguyên thủy, để tăng vị ngọt rất giàu axit amin của nước phở, , khi chưa có bột ngọt, người xưa dùng tôm he và địa sâm .Cách nấu nước dùng ngày nay đã có những sự khác biệt tùy địa phương, như miền Bắc thường dùng nhiều mì chính, còn miền Nam nhiều nơi nấu nước dùng bằng xương và thêm con khô mực.

 
 

 

Quán Bún Bò Huế

Huế xưa và nay - Bún bò Huế

Món ăn này trộn lẫn hai tính chất đầy mâu thuẫn “bò nấu thì teo, heo nấu thì nở” và “bò nổi, heo chìm” thành một thể hài hòa., “linh hồn” của bún bò Huế nằm ở nước bún. Nước được nấu từ xương heo, bò hầm cùng một số loại cây, củ. Nước bún ngon là phải trong, ngọt thanh, không mỡ màng. Gia vị chủ lực của bún bò Huế gồm mắm ruốc, sả, ớt cùng nước mắm. Tinh dầu của sả có mùi thơm nồng, đủ mạnh để trung hòa mùi mắm ruốc và giúp cho mùi giò heo luộc vừa chín tới, mùi thịt bò trộn cùng chút mắm ruốc, tiêu hành, nước mắm trở nên dịu và ngào ngạt thơm. Dầu sả nhẹ hơn dầu mỡ sẽ làm nước bún nổi váng sao óng ánh, triệt tiêu được những váng mỡ nặng nề. Sả gốc nồng và chát, sả ngọn ít thơm và làm nước bún nhiễm màu xanh của lá. Vì thế, cần chọn đoạn giữa của cây sả, thơm và nhiều tinh dầu.Nếu sả tạo hương cho nồi nước bún thì mắm ruốc tạo nên vị. Mắm ruốc phải đánh cho tan loãng rồi gạn bỏ bã. Nêm lúc bắt đầu nấu nước để tránh nặng mùi. Ruốc nêm vừa đúng phân lượng sẽ tạo cho nồi nước một mùi thơm phảng phất và vị ngọt đậm đà. Ruốc nêm thiếu, nước bún sẽ nhạt nhẽo, kém vị, thiếu mùi; nêm thừa, nước bún sẽ có mùi nặng nề, không tỏa ngát.

Nguyên liệu:  thịt bò phải là thịt bắp hoặc nạm, đem luộc trong nồi nước bún sau khi ướp tẩm cùng chút ruốc, tiêu hành; vớt ra để nguội rồi đem xắt lát, không dày cũng không mỏng quá. Heo phải là heo cỏ, được nuôi bằng các loại rau, chuối trộn lẫn với cám gạo, bắp. Do đó, giò heo chỉ lớn vừa phải, vừa chắc, vừa thơm, lại vừa ít mỡ.

Đĩa rau sống của bún bò Huế rất giản đơn, chỉ có ít bắp chuối xắt ghém cùng vài cọng húng quế trắng. Vì với người xứ Huế, chỉ cần chút vị chát của bắp chuối là đã đủ liều lượng để kích thích vị giác và đủ lấn át, “đẩy” mùi của các loại gia vị khác ra khỏi miệng để miếng ăn sau được ngon hơn.

Tô bún bò Huế nước bún trong, để lộ những sợi bún trắng nằm xếp lớp; vài lát ớt màu đỏ nổi bật trên nền xanh pha trắng của rau hành, quyện với những váng sao của tinh dầu sả nhưng vẫn không che được miếng giò heo trắng ngả vàng với lớp da mỏng, ôm khoanh thịt nạc và miếng xương tròn ở giữa. Nhìn bát bún cứ ngỡ như bông hoa có nhụy vàng, ẩn trong tấm rèm màu nâu đỏ, với những đường vân màu vàng nhạt của những lát thịt bò bắp. Lấy đầu đũa gắp ít ớt tương hoặc ớt ruốc, nhúng vào tô bún, ớt sẽ từ từ tỏa bung ra như hoa nở trên mặt nước bún và chất cay cũng thong thả lan tỏa quanh tô bún khiến thực khách, dù chưa ăn, cũng phải hít hà..

 

Quán Hủ Tiếu Miền Nam

 Nguyên liệu: (cho khoảng 7 tô)
- Xương đuôi heo : 500gr
- Gan heo: 100gr
- Cật heo : 1 quả ro
- Tim heo: nửa quả
- Mực ống tươi: một con 250gr
- Thịt xá xíu 100gr
- Tôm sú : 7 con to
- Hủ tiếu khô 500 gr hoặc mì, loại
   mì sợi trong, dai, trong Nam gọi
   là mì tươi.
- Hành lá: 1 nắm
- Tỏi băm nhỏ phi vàng
- Cải thảo mặn (loại cải thảo băm
   nhỏ, muối mặn của người Hoa)
- Củ cải muối: 3 củ (loại củ cải
   muối mặn nguyên củ của
 người Hoa)
- Củ cải tươi : 1 củ lớn
- Giá sống, rau cần tây.

Nấu nước dùng:
Xương đuôi heo chặt nhỏ, trần qua nước sôi rồi đổ nước đi cho hết máu tanh. Cho vào nồi lớn hầm nhỏ lửa, cho vào đó một chút hành củ đập dập và chút muối, hớt bọt cho nước trong. Củ cải muối cắt làm tư, rửa sạch cho đỡ mặn, củ cải tươi gọt vỏ, cắt làm tư, tất cả chỗ củ cải cho vào nồi nước dùng hầm chung với xương heo cho đến khi xương nhừ thì lọc bỏ xương và củ cải cho nước dùng thật trong. Nêm nếm cho vừa ăn, lưu ý củ cải muối đã mặn rồi nên chỉ cho thêm chút muối thôi, người Nam thì nên nước dùng hơi ngọt đường. Giữ nồi nước dùng nóng trên bếp.

Chế biến các loại nguyên liệu khác:
- Tim heo thái miếng mỏng, to trần nước sôi cho chín.
- Gan heo thái miếng thật mỏng, to, đun nước thật sôi bỏ vào trần chín cho gan được giòn
- Cật heo thái miếng mỏng, cũng trần chín. Muốn cật heo được trắng và giòn thì trứoc khi nấu 1 giờ thái cật ra ngâm vào một tô đá lạnh, cho chút muối, không cho nước mà để đá tự chẩy ra, cho vào tủ lạnh giữ cho đá lâu chẩy, khi nào ăn mới bỏ ra trần chín.
- Tôm luộc chín, bóc vỏ.
- Mực xẻ đôi, dùng dao khía ô quả trám, thái miếng to bằng 2 ngón tay, luộc chín lên.
- Thịt xá xíu thái lát mỏng.


Trình bầy:
- Hủ tiếu nước: Trần hủ tiếu trong một nồi nước sôi cho chín, cho vào tô, sắp lên mặt tô các loại nguyên liệu, mỗi thứ vài miếng, cho hành lá cắt nhỏ, một thìa café tỏi phi, một thìa café cải thảo muối, sau đó chan nước dùng nóng lên. Hủ tiếu Miền Nam ăn với giá sống, rau cần tây.
- Hủ tiếu khô: Cũng trần hủ tiếu và sắp xếp mọi thứ như trên, sau đó trần lại tô hủ tiếu bằng nước dùng nóng, chắt hết nước dùng lại, sau đó mới cho hành, tỏi và cải thảo lên mặt. Khi ăn hủ tiếu khô người ta rưới ít hắc xì dầu lên và trộn đều, nước dùng thật nóng được để vào một bát riêng, vừa ăn hủ tiếu khô người ta vừa húp thêm nước dùng. Món hủ tiếu ngon nhất là nước dùng, nước dùng phải trong, ngọt và thơm mùi củ cải. Nếu thích có thể cho thêm gói gia vị hủ tiếu bầy bán ở siêu thị.


Món ăn người Việt khác món ăn người Trung Hoa chỗ nào?

1. Cách dùng bột:

Người Trung Hoa thích dùng bột mì, chuyên về mì nước, mì khô, mì sợi nhỏ, mì sợi lớn, mì vịt tiềm bánh baọ bằng bột mì.

 Người Việt  thường dùng bột gạo : phở, hủ tiếu, bún thang, bún bò, bún riêu; bánh đùm, bánh xếp, bánh cuốn, bánh hỏi; Chả giò cuốn bằng bánh tráng bột gạo;


2. Nước chấm cơ bản

Người Trung Hoa  nước mắm là xì dầu làm bằng đậu nành.

Còn  người Việt : nước mắm làm bằng cá;

 

3. Sắp các thức ăn theo " âm" và " dương" .
Nói một cách tổng quát, những món nào mặn thuộc về dương, còn chua và ngọt thuộc về âm.

Người Trung Hoa thích chua ngọt. Họ khi ăn bưởi thật chua lại cho thêm đường, đã âm lại thêm âm thì âm thịnh dương suy, không đúng theo khoa học ăn uống.

 Người Việt thì thường pha mặn ngọt; Họ thường trộn mặn với ngọt làm nước mắm, kho thịt, kho cá, rang tép, ướp thịt nướng, luôn luôn có pha một chút đường; mà ăn ngọt quá như chè, ăn dưa hấu hay uống nước dừa xiêm thì cho một chút muối cho âm dương tương xứng. Người Việt phần đông không nghiên cứu về thức ăn, nhưng theo truyền thống của cha ông để lại thành ra ăn uống rất khoa học, để ý đến quân bình âm dương giữa các thức ăn, mà còn để ý đến quân bình âm dương giữa người ăn và thức ăn. Khi bị cảm lạnh ( bị mắc mưa, đêm ra ngoài bị cảm sương) thì nấu cháo gừng vì cảm lạnh ( âm) vào người phải đem gừng ( dương) vào chế ngự. Nếu cảm nắng ( bị mặt trời làm cho sốt) thì dương đã vào người phải nấu cháo hành ( âm). Lại nghĩ đến âm dương giữa người ăn và môi trường; mùa hè thời tiết có dương nhiều nên khi ăn có canh chua ( âm) hoặc hải sâm ( âm) ; mùa đông thời tiết có âm nhiều nên ăn thịt nướng. Ta có câu:
mùa hè ăn cá sông, mùa đông ăn cá biển
Ngoài ra trong một món ăn thường đã có chất bột, chất thịt, chất rau làm cho sự tiêu hóa được dễ dàng. về thính giác, ăn mà nghe tiếng động là vô phép nên ăn bớt ngon.

 

4-  Về rau:

Người Trung Hoa không ưa ăn rau sống, cải sống, giá sống.

Còn người Việt tuy có ăn rau luộc, hay xào; nhưng thích ăn rau sống, rau thơm,

 
5. Về cá:

Người Trung Hoa biết kho, chưng, chiên như người Việt. Nhưng  họ không làm mắm như người Việt. Có rất nhiều cách làm mắm và ăn mắm: mắm thái, mắm nêm, mắm ruốc, mắm tôm v. v. . . Các nước Đông Nam Á cũng có làm mắm nhưng không có nước nào biết làm nhiều loại mắm như người Việt.

6. Về thịt:

 Người Trung Hoa biết quay, kho, luộc xào, hầm như người Việt, mà không biết làm nem, bì và các loại chả như chả lụa, chả quế v. v. . .


7.Về hương vị

 Người Trung Hoa ít có phối hợp nhiều vị trong một món ăn

Nhưng người Việt ăn một món ăn như nem nướng thì có biết bao nhiêu vị: lạt lạt của bánh tráng, bún, hơi mát mát ngọt ngọt như dưa leo, và đặc biệt của giá sống trộn với khế chua, chuối chát, ớt cay, đậu phộng cà bùi bùi, và có tương mặn và ngọt. Người Việt trong nghệ thuật nấu ăn rất thích lối đa vị và tất cả các vị ấy bổ sung cho nhau, tạo ra một vị tổng hợp rất phong phú.  

    (Sưu tầm của KP) 

 

 Hãy click Click  : - các món ăn

                            -  rượu & trà

                            - thơ vịnh món ăn

                            -  Mẹo vặt làm Bếp